Về MẬT ONG thì chắc có lẽ không ai là người Việt Nam lại không biết. Chỉ có điều không phải ai cũng biết đâu là MẬT ONG “Nhà”, đâu là MẬT ONG “Rừng”. Theo kinh nghiệm của mình thì mùa Đông tốt nhất là không nên mua mặt hàng “đặc sản” này. Vì không có nhiều loại Hoa để ong lấy mật. Nếu ai đó bảo là mật ong “xịn” vừa lấy trên Rừng xuống thì 95% là giả. Chỉ có mật ong nhà ăn đường đỏ tạo thành mật là sẵn mà thôi. Nếu muốn mua đúng loại Mật ong Rừng thì phải đi vào trong Bản, đi mùa hè. Nếu họ (đồng bào Dân tộc) có bán, đổi ngang cái gì đó, hoặc quý lắm mà họ cho thì may ra là thật. Còn nếu mua dọc đường (Đoạn từ Thị xã Sơn La đi xuôi về Hà Nội quãng độ 25km đến khu vực Mai Sơn sẽ thấy bày bán dày đặc ở bên phải đường) thì phải là người thân quen thì họ mới đưa cho loại “Rừng” xịn. Còn không thì hầu hết là Ong Nhà.
Về mùi vị thì mật ong Rừng nếu nếm thử sẽ thấy mùi thơm của mật, mùi thoang thoảng của những loại hoa dại trong rừng, trên núi, vị thanh thanh chứ không ngọt có mùi “đường” như mật ong Nhà. Mầu sắc của nó có mầu vàng nhạt óng ánh, nhìn nó “sánh và trong” chứ không đục “nhờ nhờ”. Nếu dùng que hoặc đũa tre khuấy lên thì nó không bị đục. Đặc biệt là không bao giờ bị “đông” kết tủa dưới đáy chai khi để trong tủ lạnh. Ngon nhất và bổ nhất phải là mật của loài Ong khoái sống bên cạnh cửa hang hoặc trong hang đá trên núi. Mà loại này thì “hiếm có khó tìm lắm”.
Nói về món chấm Chẳm Chéo thì nếu đã là người SƠn La thì chắc là không ai không biết. Có khoảng trên dưới mười loại Chẳm Chéo khác nhau. Nhưng mình không nhớ được hết, cũng lâu rồi. Chỉ có thể kể ra đây ba món Chéo mà mình nhớ nhất. Đó là Chéo Rau sống, Chéo Pà và Chép Pịa.
Chẳm có nghĩa là món Chấm, đồ chấm, còn Chéo có nghĩa là các thứ gia vị dùng để pha chế ra món chấm này. Điều làm nên sự khác biệt và mang đến sự “riêng biệt” đó là “nước chấm được pha chế theo công thức “bí mật” mà nếu có được chân truyền cũng không thể làm giống người trên đó được. Đơn giản là vì trong rất nhiều loại dùng để chế ra loại nước chấm này như là ớt, tỏi, muối, mỳ chính thì cái khác nhất, đặc biệt nhất đó là quả “mak khén” (có thể gọi là hạt tiêu rừng cũng được) chỉ có trên vùng rừng núi Tây Bắc. Món nước chấm này xuất phát từ đồng bào dân tộc Thái (Cả Thái đen và Thái trắng đều có). Quả này có vị cay nồng và thơm. Nhỏ hơn quả mà chúng ta hay gọi là “hạt tiêu”. Đây là thứ gia vị “đặc trưng” cơ bản để làm lên thứ nước chấm lừng danh núi rừng Tây Bắc này.
Chéo Rau sống: Khi pha được nước chấm rồi thì người ta có thể ăn với rau sống (món phổ biến để ăn chung với Chẳm Chéo). Rau sống ở trên này thì có mấy thứ rau cơ bản như: Bắp cải, hành tươi (cả củ và lá), quả nhót, khế, xà lách, rau má…
Tiếp theo là Chéo Pà (Chéo cá). Vì trên này nhiều suối và có nhiều loại cá nhỏ. Ngồi bên bờ suối, bắt mấy con cá nhỏ nướng vàng lên rồi trộn với thứ nước chấm ở trên, giã nhuyễn ăn với măng tre hoặc rau luộc thì ngon tuyệt.
Chéo Pịa (khi mổ Ngựa hoặc Trâu thì đồng bào lấy lòng non - vẫn còn sống chứ chưa luộc chín (ở Sơn La ngoài Mộc Châu có nhiều Bò để lấy sữa thì các vùng khác chủ yếu nuôi Ngựa và Trâu chứ không nuôi Bò) của chúng chắt thứ nước đắng đắng trong đó ra. Đem chưng lên rồi trộn với thứ nước chấm cơ bản ở trên. Chéo này dùng để ăn với thịt Ngựa, thịt Trâu luộc, hấp hoặc nướng thì có mà cả hũ rượu bên cạnh uống cũng hết.
Ngoài ra còn có các loại Chéo nữa như là Chéo tắp cáy (gan gà) ăn với thịt Gà hoặc thịt Vịt luộc, Chéo non đít (rau mùi) ăn với thịt ba chỉ luộc, Chéo Săc Cha Ư (Chéo củ xả) ăn với lá sắn non luộc, lá đu đủ non luộc hoặc ngô non luộc…..
Còn gì nữa nhỉ. Có thể kể đến Thịt Trâu gác bếp. Chống chỉ định những ai răng yếu hoặc răng giả thì đừng có ăn. Đi cả một lượt đấy. hihi, vì đồng bào dân tộc cứ chặt từng khúc một, hoặc là có hình vuông (to hơn bao diêm một tẹo) hoặc có hình trụ cỡ 10cm (to bằng ngón trỏ). Tẩm gia vị (ớt, muối là chủ yếu) rồi gác lên nóc bếp (thế mới được gọi là thịt Trâu gác bếp) đến cuối tết mới bỏ xuống để ăn nên nó cứng lắm. Phải lấy chầy hoặc búa để đập nó cho nhừ. Dưới xuôi nhà nào có là vi sóng thì nhanh hơn. Họ không hấp cách thủy vì sẽ mất vị, ăn không ngon.
Có thể kể thêm Thịt lợn bản hun khói, Trứng kiến rừng, Bọ xít nướng, Rêu sông mã rang khô lên giống món Ruốc dưới xuôi. Mới ăn có vị đắng, sau đó thì ngọt và rất mát. Món này giải nhiệt rất tốt, Cá suối tẩm gia vị, ướp thêm ớt, xả , gừng. Sau đó bọc trong một nắm lá chuối non rồi nướng bên bờ suối luôn, Dạ dày đen (Tức là dạ dày của các con vật nuôi bị xẻ thịt sẽ để nguyên như thế nên nó có mầu đen. Chứ họ không làm sạch trắng như dưới xuôi), đương nhiên là Ngẩu Pín và Pịa thì không thể thiếu rồi….
Viết về món ăn và đặc sản ở vùng đất này thì có kể cả ngày cũng không hết. Nếu ai đã từng thưởng thức những món ăn ở Sơn La rồi thì chắc không thể phủ nhận là hầu hết đó đều là những món ăn ngon, lạ, sạch, bổ và rẻ.
Tác giả: admin
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn