Mọi người vẫn quen gọi đào Mộc Châu, Sa Pa là đào rừng để phân biệt với những loại đào được chăm chút cẩn thận trong những khu vườn dưới đồng bằng. Họ thích đào rừng bởi cái vẻ tự nhiên, hoang dã, cổ kính, không đài các sang trọng như đào thế. Gọi chung là đào rừng vậy thôi, tìm hiểu kỹ ra, đào Mộc Châu cũng có dăm ba loại: đào bích, đào mèo, đào pháp, đào mỹ, đào phai…, loại nào cũng có vẻ đẹp riêng.
Đào bích được đem từ vùng đào Nhật Tân (Hà Nội) lên thường nở trước tết nguyên đán 2 tháng. Loại đào này, được trồng ở Mộc Châu như cô gái cá tính mạnh mẽ được đặt giữa vùng đất phóng khoáng, tự do vẫy vùng. Cho nên những nó không theo một thế nào cả, mạnh cành nào cành ấy lớn, những bông hoa đài các nay bỗng có phần hoang dại: cánh vẫn nhiều, màu vẫn rực rỡ, nhưng nụ mập, hoa lớn hơn. Mà đã mạnh mẽ thì khi nở nó cũng phải nở bung ra không e ấp, những cánh hoa vươn hết cỡ, xong là rã rời, tàn tạ. Nhiều người không thích bích đào bởi thế, cho dù nó đã nở là cả cây chi chít hoa, rực rỡ hoa từ gốc đến ngọn, đọt mầm xanh chỉ điểm vào thấp thoáng tô cho màu đỏ thêm thắm, màu hồng thêm rạng ngời.
Đào Pháp, đào mỹ mới được du nhập vào Mộc Châu vài năm gần đây để lấy quả là chính. Quả khác hẳn đào rừng, ruột vàng ươm, nhiều nước, ăn mềm, có loại quả nhẵn, không có lông, màu đỏ rực rỡ như quả mận và rất giòn. Giống này thường ra hoa sớm, trước tết độ một tháng, cũng nhiều hoa như bích đào, nhưng nhanh tàn và cánh nhạt hơn.
Giờ xin được gọi đào phai, đào mèo là đào rừng cho dễ phân biệt với các giống đào trên. Gọi là đào rừng bởi nó đích thực sinh ra, ăn gió, uống sương và lớn lên từ núi rừng tây bắc. Đào mơ, hay gọi là đào phai trước còn nhiều, giờ ở Mộc Châu cũng chỉ còn thấp thoáng, vì quả bé, ăn lại chát, không có giá trị kinh tế. Bởi gọi là đào phai nên cánh hoa chỉ phơn phớt hồng, nụ nhỏ, lại thon chứ không mập như đào bích. Đào mèo là giống cây đặc trưng của người Mông, quả to, ăn giòn, hạt lúc nào cũng đỏ như son, loại này mấy năm nay có giá. Bởi những cây đào xù xì rêu mốc cứ giáp tết nguyên đán mởi nở hoa. Cả 2 giống này, trên mỗi bông hoa chỉ vỏn vẻn 5 cánh mỏng manh, cánh nào cũng thon gọn, e ấp như thiếu nữ mới lớn. Cuống hoa, đài hoa có màu đỏ sậm, cái đỏ ấy lan dần ra, đến đầu cánh chỉ còn phớt hồng. Nhiều người thích đào rừng bởi vẻ đẹp tự nhiên, mong manh, hoang sơ đó.
Màu hồng tưởng nhợt nhạt, năm cánh tưởng như mỏng manh ấy lại thể hiện sự hòa hợp của con người, thiên nhiên tây bắc. Thử vào những bản làng người Mông mà xem, những nếp nhà trệt ghép lại từ những tấm gỗ, chẳng cần phải sơn, đánh bóng, những khe hở có khi gió vẫn lùa xuyên qua, nền nhà nhiều khi không nhất thiết phải đổ bê tông… Người làm nên nếp nhà ấy thường giản dị, mộc mạc. Bây giờ, nếu đặt vào đầu hồi những ngôi nhà ấy một cây bích đào trong màn sương bảng lảng sẽ thấy không phù hợp chút nào. Ấy là một sự chắp ghép hơi sượng, nó không ăn khớp với nhau. Những cánh đào phớt hồng phải đặt cạnh ngôi nhà trệt giữa khói sương của núi rừng nó mới hòa quyện với nhau, tôn nhau lên, mới ra hồn tây bắc, như ăn bát phở phải có hạt tiêu mới đúng vị...
XEM THÊM:
Vài nét Đào Mộc Châu
Mộc Châu mùa hoa đào
Hoa đào Mộc Châu, nở muộn vẫn đẹp lung linh
Lên Mộc Châu ngắm hoa đào rừng
Thung lũng hoa đào Mộc Châu, Vân Hồ
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc