Đi tìm loài cá "chúa tể"
Loài cá khổng lồ mà những ngư dân thường nhắc đến chính là loài cá chiên. Nhìn hình thù bề ngoài, loài cá này không khác gì "quái vật". Đầu cá nham nhở như một khúc gỗ mục, toàn thân trơn nhẵn không vẩy, nhưng xù và có màu sắc loang lổ. Chúng cực kì dữ dằn và hung ác. Để săn được loài cá này, ngoài sức khỏe, tài ba nhất quyết phải có lòng dũng cảm phi thường.
"Thợ săn" Tần A Láy, người dân tộc Thái, cho hay, loài cá chiên vốn sinh sống ở đây từ rất lâu đời, con cá lớn nhất mà những người thợ săn Đà giang từng bắt được nặng hơn 80kg, phải tới sáu thanh niên xúm vào, người bê, người đỡ mới đưa được cá lên bờ. Nhiều lần bắt được cá chiên nhưng không đủ người trên thuyền nên ông Láy đành phải gỡ lưới mà thả ra, chứ không thể chèo thuyền mà kéo về được.
Thời trước, cứ mỗi lần bắt được cá chiên, người dân bản Nà Lồi ở xã Suối Bàng này lại mở tiệc ăn mừng vui như hội. Vì con cá to, có khi cả bản phải ăn mấy ngày mới hết. Chỉ riêng phần đầu cá thôi cũng đủ làm một bữa tiệc thịnh soạn, linh đình, đấy là chưa nói đến phần thịt cá ở thân. Đặc biệt là bộ ruột của cá chiên, to như bắp chân, bắp tay người, xoắn xít vào nhau. Thứ đặc sản này có thời kỳ chuyên để tiến Vua, người dân lỡ bắt được loài cá "chúa tể" cũng phải đem dâng lễ phần phủ tạng.
Nơi ở của loài cá chiên cũng rất phù hợp với thân hình ngoại cỡ, chúng thường thích sống ở khu vực thác nước, những hang núi chìm dưới lòng sông hay những khu vực nước sông chảy xiết. Loài cá này cực kì hung ác, món ăn chúng thích nhất là xác động vật, ngay cả xác người bị chết trôi trên sông Đà cũng trở thành bữa ăn của cá chiên.
Khác với những loài cá ăn thịt khác hay tung tăng bơi lội khắp nơi trong nước, cá chiên chỉ nấp ở những nơi trũng nước để chờ đớp con mồi trôi qua. Mỗi lần, nó chỉ nổi lên mặt nước chừng vài phút, vào lúc chiều tối, rồi lại mất hút trong dòng nước xiết. Đã có nhiều thuyền bè qua lại đoạn sông này bị chao đảo, thậm chí bị lật chìm khi lao vào con "quái vật" này. Điều đặc biệt là loài cá này rất nóng nảy: Hễ cứ bị mắc câu hoặc lưới, cá sẽ lấy đà, tạo sóng dữ kéo thuyền đi xềnh xệch.
Thế nhưng nếu kéo 3 lần mà vẫn không thoát, cá chiên sẽ ngửa bụng đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp chủ quan, ngư dân kéo lưới bị sẩy chân tụt xuống nước, cá chiên điên tiết lao vào đâm gãy xương ngực, khiến người đi câu chết ngay tại chỗ.
Một con cá chiên bị nhóm thợ săn của Tần A Láy bắt được
Chuyến săn "một mất, một còn"
Để chuẩn bị cho chuyến đi câu loài cá "chúa tể” sông nước, ông Tần A Láy đã gọi thêm người cháu tên là A Tám cùng đi. A Tám vừa tròn 18 tuổi, người chắc nịch, thân thể cường tráng, hai bắp chân to và rắn đinh như hai khúc gỗ lim. Ông A Láy khoe rằng, Tám còn trẻ nhưng đã là một tay săn cá chiên cừ khôi ở bản này rồi đấy, rất nhiều cô gái bản đem lòng yêu mến A Tám vì sự tài ba, dũng mãnh của anh chàng.
Trước khi xuất bến, A Tám phải gia cố thuyền bằng hàng loạt can nhựa loại dung tích 20 lít buộc vào hai bên thuyền. Khẽ cầm một cây lao có đầu sắt sắc nhọn lên mài giũa A Tám cho tôi biết: "Phải lặn sâu và lâu có thể dùng lao để đâm "thủy quái". Tuy nhiên, cách săn này chỉ áp dụng với mùa khô, nước chảy hiền hòa, trong vắt và ở những vùng nước cạn. Với chỗ nước sâu, hang sâu và dài thì không thể dùng cách này vì không đủ sức bơi đến chỗ cá chiên ẩn nấp, hoặc giả có đâm chết được cá cũng không còn sức mà lôi lên. Một cách khác rất hiệu quả mà những "thợ săn quái vật" ở đây sử dụng là cách rải lưỡi câu. Lưỡi câu "quái vật" là bí quyết của những người thợ săn ở đây mà chẳng mấy ai chịu tiết lộ.
Khẽ dong thuyền ra dòng sông, A Tám chọn một vùng nước tĩnh lặng neo thuyền lại, tung lưới bắt mấy con cá nhỏ làm mồi nhử. Vừa tung lưới A Tám vừa bảo: "Cá chiên vốn hay ẩn nấp nên cứ vùng nước nào thấy động hoặc bong bóng sủi lên mạnh, thì chính xác đó chính là nơi trú ngụ của loài cá “chúa tể” cực kỳ hung tợn." Đang mải mê với câu chuyện, bỗng chiếc can buộc làm phao bị kéo chìm, giật cả dây buộc thuyền lao theo. A Tám mừng rỡ quay về phía ông A Láy reo "một con dính lưới rồi".
Tuy nhiên, A Tám không vội kéo, mà để con cá vùng vẫy một hồi cho mệt lử. Dùng hai cánh tay chắc nịch, gân guốc và đen sạm của mình, A Tám cùng ông vớt cá kéo lên thuyền. Con cá Chiên đầu tiên đã bị bắt, miệng vẫn đang ngáp ngáp, ông A Láy phải dùng bàn chân to bè của mình ấn chặt lên đầu con cá, hai đầu gối ghì chặt xuống thân mình đó rồi dùng dao cạy cái mõm dài và hàm răng sắc nhọn như răng cá sấu để tháo mồi một cách thuần thục. Chiến lợi phẩm sau đó được thả vào lồng sắt bên cạnh thuyền. A Tám nhìn con cá ước lượng chỉ khoảng gần 30 cân.
Trước đây, "cần thủ" mỗi ngày câu được vài con cá chiên là chuyện bình thường. Nay cá hiếm, nhiều người đi câu cả tuần mà chẳng bắt được con nào. Chỉ những tay ưa phiêu lưu mạo hiểm mới dám dong thuyền đi tìm bắt loại "thủy quái" này.
Những con cá chiên to lớn hơn cả người ôm
Do sự săn bắt ráo riết của các thợ săn, giờ đây "quái vật" sông Đà, loài cá chiên chúa tể đang ngày một vơi dần và có nguy cơ biến mất. Nhiều người thợ săn vì những món tiền khổng lồ của những thực khách sẵn sàng trả giá cao để được thưởng thức hương vị cá chiên đã không ngần ngại đi săn thứ "lộc trời" của sông nước ấy đem đi rao bán. Không những thế, những nhà hàng chuyên bán thịt cá chiên cũng mọc lên như nấm, họ còn đầu tư trang thiết bị, thuê hẳn người lập đội chuyên đi săn "trâu mộng" ở sông Đà đem về giết thịt.
Giá một cân cá chiên lên đến cả triệu đồng, một con cá bắt được, cả chục, có khi cả vài chục triệu đồng như chơi. Thợ săn và con buôn cứ khuấy nước, bới bùn ở các chốn hang ổ cuối cùng của "quái vật" sông hồ lên. Bắt được cá, họ ngay lập tức gọi điện thoại về cho hệ thống quán cá rao bán, xe tải nhỏ chứa lõng bõng nước được điều đến bến thuyền.
Sương khói màn đêm tan dần trên đại ngàn hoang thẳm. Ánh mặt trời đang lên trên đỉnh núi. Nhìn những thợ săn đang lục đục chuẩn bị bước xuống thuyền đón ngày mới với dòng sông kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc như cha ông bao đời của họ vẫn thế. Họ mang nặng nỗi niềm của những người con coi Đà giang như chính mạch máu trong cơ thể mình.
Cao Tuân
Tác giả: ad
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc